Người trẻ làm TikToker, kinh doanh online lưu ý gì để không vi phạm pháp luật?- Ảnh 4.

Những "chiến thần" livestream trên nền tảng số đang là một trong những công việc hot thu hút nhiều bạn trẻ.

Theo chuyên gia, người trẻ không nhất thiết phải nắm hết hệ thống pháp luật, nhưng ít nhất cần hiểu những điều liên quan đến ngành hàng mình đang kinh doanh. Ví dụ, nếu bán thực phẩm chức năng, cần biết rõ các điều kiện công bố sản phẩm, quy định ghi nhãn, và nội dung được phép quảng cáo...

Nếu livestream bán hàng, cần hiểu rõ các giới hạn pháp lý về nội dung, giá cả, thông tin sản phẩm. Việc thiếu hiểu biết không được xem là lý do miễn trừ trách nhiệm. Ngày nay, có rất nhiều kênh chính thống để tra cứu như Cổng thông tin của Cục Thuế, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, hoặc các trang tư vấn luật uy tín...

"Đặc biệt, cần tìm hiểu rõ ràng về giấy phép an toàn thực phẩm, kiểm định sản phẩm, tiêu chuẩn như ISO, HACCP… khi quyết định nhận làm quảng cáo hoặc tiếp thị tới công chúng. Nếu mù mờ giữa những ranh giới này, môi trường số sẽ là nơi tràn lan hàng giả, khiến công chúng ngày càng suy giảm niềm tin", TS. Quỳnh nói.

Chấn chỉnh môi trường kinh tế số

Theo TS. Phan Tấn Lực - Phó trưởng Khoa Quản trị kinh doanh, Trường Kinh tế tài chính (Bình Dương), để đưa các KOL (người có sức ảnh hưởng), KOC (người tiêu dùng ảnh hưởng), YouTuber, TikToker và những người nổi tiếng có thu nhập từ việc review, quảng cáo, cũng như tổ chức các phiên livestream bán hàng trên nền tảng mạng xã hội vào khuôn khổ pháp lý và thuế, cần triển khai đồng bộ một số giải pháp.

Trước hết, cần bắt buộc các cá nhân có thu nhập ổn định từ hoạt động này đăng ký kinh doanh và được cấp mã số thuế. Cùng đó, họ phải thực hiện kê khai và nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân phù hợp với hình thức kinh doanh.

Việc áp dụng hóa đơn điện tử cho các giao dịch livestream là bước cần thiết nhằm đảm bảo tính minh bạch. Ngoài ra, cần đẩy mạnh giám sát qua dữ liệu số, bao gồm thông tin từ ngân hàng , đơn vị giao hàng và các nền tảng thương mại điện tử như TikTok Shop.

Người trẻ làm TikToker, kinh doanh online lưu ý gì để không vi phạm pháp luật?- Ảnh 5.

Hoạt động bán hàng qua livestream của các TikToker ngày càng trở nên phổ biến và hoàn toàn có thể được xem là một phần của nền kinh tế chính thức.

Theo vị chuyên gia, trường hợp nhiều TikToker tự phát kinh doanh nhưng không đăng ký hộ kinh doanh hay nộp thuế đang gây ra nhiều rủi ro cho thị trường. Tình trạng này dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh, những người tuân thủ pháp luật phải chịu thiệt thòi.

"Đồng thời, việc không kê khai thuế gây thất thu ngân sách nhà nước và làm giảm tính minh bạch trong hoạt động kinh doanh. Điều này cũng tiềm ẩn nguy cơ về hàng giả, hàng kém chất lượng, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng và làm suy giảm niềm tin vào thị trường thương mại điện tử", TS. Lực nhận định.

Sau nhiều vụ TikToker bị bắt, xu hướng bán hàng qua livestream có thể chững lại trong ngắn hạn do tâm lý e ngại từ người bán, nhưng khó bị biến mất hoàn toàn. Thực tế, đây vẫn là một kênh tiếp thị hiệu quả, phù hợp với xu thế tiêu dùng số.

Thay vì suy giảm, xu hướng này sẽ có xu hướng điều chỉnh theo hướng chuyên nghiệp hơn, minh bạch hơn và tuân thủ pháp luật, đặc biệt về đăng ký kinh doanh, kê khai thuế và bảo vệ người tiêu dùng.

TS. Lực cho rằng, thời gian tới, xu hướng này vẫn có thể biến tướng theo nhiều cách nếu không được quản lý chặt chẽ. Nhiều cá nhân sẽ lợi dụng kẽ hở pháp lý để ngụy trang quảng cáo trong nội dung giải trí, sử dụng tài khoản ảo hoặc người khác livestream thay, bán hàng không rõ nguồn gốc, chuyển sang nền tảng quốc tế để né kiểm soát, hay cạnh tranh không lành mạnh.

Những biểu hiện này tiềm ẩn rủi ro cho người tiêu dùng và thị trường, đòi hỏi khung pháp lý chặt chẽ và cơ chế giám sát hiệu quả hơn.

Theo các chuyên gia, người trẻ khởi nghiệp kinh doanh qua TikTok cần đặc biệt lưu ý tuân thủ các quy định pháp luật để tránh rủi ro và phát triển bền vững. Trước hết, cần đăng ký kinh doanh, kê khai và nộp thuế đầy đủ theo quy định, phải đảm bảo minh bạch trong giao dịch, cung cấp sản phẩm rõ nguồn gốc, tránh quảng cáo sai sự thật hoặc bán hàng giả.

Việc tuân thủ các quy định của nền tảng về nội dung, bản quyền và hợp tác thương mại cũng rất quan trọng để duy trì uy tín. Ngoài ra, cần xây dựng chính sách đổi trả rõ ràng, minh bạch trong quy trình thanh toán và vận chuyển, không lợi dụng kẽ hở pháp lý để trốn tránh trách nhiệm với người tiêu dùng.

Người bán cần trang bị và luôn cập nhật kiến thức về pháp luật thương mại điện tử, kỹ năng truyền thông số và đầu tư vào chất lượng dịch vụ để xây dựng thương hiệu lâu dài thay vì chỉ chạy theo lợi nhuận tức thời.