Không "đi buôn" trong sương mù

Dưới góc nhìn của một chuyên gia về luật, TS. Bùi Nguyệt Quỳnh - Phó Giám đốc vận hành Cty TNHH Gami Lab cho biết, hành lang pháp lý để điều chỉnh hoạt động kinh doanh online, đặc biệt trên các nền tảng mạng xã hội như TikTok, Facebook hay Instagram là không thiếu và khá chặt chẽ.

Pháp luật Việt Nam đã có đầy đủ các quy định liên quan đến thương mại điện tử, thuế thu nhập cá nhân và tổ chức, quảng cáo, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, quy định về chất lượng hàng hóa, truy xuất nguồn gốc… Tuy nhiên, điều còn thiếu là sự cập nhật về thực thi, công khai thông tin rõ ràng và nâng cao nhận thức của người kinh doanh online.

Người trẻ làm TikToker, kinh doanh online lưu ý gì để không vi phạm pháp luật?- Ảnh 3.

Ngày càng có nhiều bạn trẻ lựa chọn công việc kinh doanh online trên các nền tảng số. Ảnh minh họa: AI

Bán hàng online là một hình thức của thương mại tự do, là động lực quan trọng trong thúc đẩy tiêu dùng và phát triển kinh tế số. Rõ ràng, có những TikToker, KOL đã bị xử lý vì trốn thuế, bán hàng giả.

Tuy nhiên, nhiều trường hợp vi phạm xuất phát từ sự thiếu hiểu biết về pháp luật. Vì thế, thay vì siết lại bằng những rào cản hành chính, Nhà nước nên tập trung vào truyền thông, hướng dẫn cụ thể, công bố thông tin minh bạch, có hệ thống trên các nền tảng trực tuyến để người dân dễ tiếp cận.

Theo chuyên gia Bùi Nguyệt Quỳnh, một trong những ngộ nhận phổ biến của người trẻ khi bắt đầu kinh doanh online, là cho rằng chỉ cần livestream bán hàng, đăng bài trên mạng xã hội, hoặc gửi hàng qua bưu điện thì không bị ràng buộc pháp lý như doanh nghiệp truyền thống. Tuy nhiên, dù không có cửa hàng, người bán vẫn được coi là đang hoạt động kinh doanh.

Do đó, họ phải tuân thủ các quy định về đăng ký kinh doanh, nghĩa vụ thuế, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cũng như chất lượng sản phẩm. Tư duy “bán chơi cho vui” rất dễ dẫn đến vi phạm, và khi cơ quan chức năng vào cuộc, hậu quả thường rất khó lường.